Lưu trữ

Posts Tagged ‘Tết Việt’

Mơ ước Xuân đoàn tụ trên quê hương

Nỗi buồn phải ăn Tết xa quê còn lắng đọng trong tôi với những cảm xúc trong đêm trừ tịch viễn xứ. Tôi nhớ lại những cái Tết khi còn ở quê hương đã đi qua và đọng lại… Ước gì một ngày nào đó mình được trở về quê hương ăn Tết

Tết xa quê đầu tiên

Một trong những nỗi buồn lớn trong đời tôi là không được ăn Tết tại quê nhà. Lần đầu tiên trong đời tôi phải ăn Tết xa quê hương, đó là năm 1976. Tại Mỹ, Tết năm đó nhằm vào ngày thường, không phải ngày thứ Bảy hay Chủ Nhật, hoặc ngày nghỉ lễ nên phải đi làm việc. Mỗi dân tộc có một cái Tết riêng, nên Tết Âm lịch xem ra tẻ nhạt tại đây vì sống trong một xã hội không có chung một truyền thống văn hoá.

Tôi đi làm ca hai nên tan sở vào lúc 11 giờ đêm, thường thì lái xe từ sở về nhà chỉ mất có nửa giờ, nhưng hôm đó phải mất tròm trèm một giờ đồng hồ vì đường trơn trợt và có tuyết. Về đến nhà, tôi thấy nhà tôi đang khệ nệ bưng những món ăn đặt lên bàn. Có ít nhất là 4 món được bày ra, có cả ngũ quả và hoa đã cắm sẵn ở bình. Ngoài ra, còn một chậu cúc vàng được bày ở phòng khách. Vội vàng làm lễ tẩy trần và chỉnh lại trang phục lần cuối, tôi ra bàn thờ thắp hương lạy tạ tổ tiên, ông bà tuy biết rằng bấy giờ đã quá Giao Thừa. Cũng may, nhà tôi làm ca đầu về nhà vào lúc 4 giờ chiều nên có thời giờ lo công việc. Kiểm lại vẫn còn thiếu nhiều thứ, như có thịt mỡ, có dưa hành nhưng thiếu “bánh chưng xanh”. Chỉ có bánh chưng… trắng vì người ta không trộn phẩm mầu trong gạo nếp. Họ không kiếm đâu ra lá chuối hay lá dong để gói bánh mà dùng giấy bạc để thay lá. Không có mứt và bánh trái. Nói chung là Tết năm đó không có đi hái lộc, không có tiếng pháo nổ đì đùng, không có ai xông đất, không có mừng tuổi, không có khai bút… Nghĩ đến đây, tôi bỗng nhớ trong kho tàng văn học Việt Nam còn truyền tụng nhiều bài thơ khai bút rất nổi tiếng, như bài thơ sau đây của ông Nguyễn Khuyến, tức Tam Nguyên Yên Đổ, thấy sao mà hợp với thân phận của mình nơi xa xứ lúc đó thế, buột miệng ngâm:

Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ
Nay đã năm mươi, có lẻ ba
Sách vở ích gì cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già!
Xuân về, ngày loạn càng lơ láo
Người gặp, khi cùng cũng ngẩn ngơ
Lẩn thẩn lấy chi đèn tắt bóng
Sao còn đàn hát vẫn say sưa?

Nỗi buồn phải ăn Tết xa quê còn lắng đọng trong tôi với những cảm xúc trong đêm trừ tịch viễn xứ. Nhìn ra cửa sổ bầu trời tối đen, thật yên tĩnh. Tôi ngồi đó với nỗi buồn da diết, kéo theo tuyết rơi của mùa đông rét mướt khiến mọi thứ càng trở nên hiu quạnh và cô đơn hơn. Tôi nhớ lại những cái Tết khi còn ở quê hương đã đi qua và đọng lại… Ước gì một ngày nào đó mình được trở về quê hương ăn Tết… Điều mong ước của tôi có trở thành hiện thực được không?

Không khí Tết quê nhà

Mười mấy năm trôi qua vật đổi sao dời! Tin tức nóng bỏng ngày hôm đó cho biết: “Hoa Kỳ đã bỏ lệnh cấm vận Việt Nam”. Tin còn cho hay “có nhiều hy vọng Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ trao đổi quan hệ ngoại giao”, nghĩa là hai bên sẽ đặt Toà Đại sứ một ngày rất gần đây. Quả nhiên là ước mơ đã trở thành hiện thực! Và rồi từ đây những chợ Á Châu ở những vùng có đông người Việt ở Tết đến không thiếu một thứ gì. Hễ món gì ở bên Việt Nam có thì tại đây cũng có.

Tết Nguyên Đán ở Mỹ bây giờ chả thiếu thứ gì ngay cả thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, câu đối đỏ…  Nhưng nói vậy mà không phải vậy, vẫn thiếu hai thứ quan trọng đó là tràng pháo và cây nêu, và quan trọng hơn nữa – đó là Không Khí Tết Quê Nhà…

Việt Nam đây rồi!

Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, mơ ước trở về quê hương đón Tết của chúng tôi đã thành hiện thực. Thật không có hạnh phúc nào bằng… Mọi việc càng trở nên thuận lợi khi có đường bay thẳng từ San Francisco, Los Angeles về Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Và cứ mỗi dịp Xuân về, Tết đến là có hàng ngàn Việt kiều ở khắp thế giới rộn rịp về quê hương ăn Tết. Dĩ nhiên, trong đó có gia đình tôi.

Tôi còn nhớ năm đó là năm 1996. Vì chưa có những chuyến bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ và ngược lại, nên lúc đó, phần nhiều người nào muốn về Việt Nam thì phải ngủ lại Bangkok một đêm để sáng hôm sau tiếp tục bay về Việt Nam. Trước khi về Việt Nam, tôi đã liên lạc với người em họ ở Thái Lan, rồi ở đây gọi về Việt Nam cho gia đình tôi biết ngày, giờ tôi về đến sân bay. Tôi xa gia đình từ năm 1953, đến lúc đó tính nhẩm tôi đã xa nhà khoảng 43 năm… thời gian lâu bằng cả nửa đời người…

Lúc máy bay từ từ hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tôi thấy lòng nao nao, nước mắt muốn trào ra trong nỗi sung sướng khi được quay về thấy lại quê cha đất tổ, được đoàn tụ gia đình sau bao năm xa cách. Lúc máy bay đỗ cũng là lúc nhiều hành khách mừng rỡ, có người hét to: “Việt Nam đây rồi!” . Một bà ngồi bên cạnh rưng rưng: “Tôi đâu ngờ có ngày hôm nay, được thấy lại quê hương lần nữa…”. Tôi đọc thấy trong mắt bà nỗi hân hoan vui sướng. Nhìn  kỹ, không phải chỉ có một mình bà, mà hầu hết những người Việt Nam trở về thăm quê hương lần này đều có bộ mặt rạng rỡ và xúc động như vậy.

Sợ người nhà không nhận ra mình vì thuở ra đi tôi đang còn quá trẻ, nên tôi đã viết sẵn tên mình vào một tờ bìa cứng. Quả nhiên, nhờ vào đó mà các em gái tôi mới nhận ra tôi và đồng loạt gọi: “Anh Văn!”. Các em khóc trong nỗi niềm vui sướng khi đứng bên tôi. Lan, cô em út của tôi, nói: “Xe nhỏ chở được ít người nên chỉ có các em ra đón anh”. Rồi Lan giới thiệu người đàn ông trung niên đi cùng: “Đây là anh Nhã, chồng em”. Tôi đưa tay ra bắt tay người em rể lần đầu gặp mặt. Nhã lái xe về nhà.

Về đến nhà, vừa bước xuống xe đã có hàng chục đứa nhỏ cả trai, cả gái chạy lại bên tôi. Hình như mẹ chúng đã dạy nên chúng gọi tôi là “cậu Văn” ngọt xớt. Tôi theo chúng vào nhà. Thấy ba mẹ tôi, tôi chạy đến ôm cả hai người. Mẹ tôi khóc sướt mướt vì sung sướng, mừng mừng tủi tủi, nghẹn ngào không nói nên lời. Ba tôi nói: “Được sum họp đầy đủ như hôm nay là phúc lớn của ông bà để lại. Thôi tất cả cùng ngồi vào ăn cơm mừng cho thằng Văn gặp lại gia đình. Biết rằng có bao nhiêu chuyện phải nói, nhưng ngày còn dài để tâm tình sau”. Cô Nga, em kế tôi, dẫn chồng lại bên tôi giới thiệu: “Đây là anh Hoà, chồng em”. Tôi nói: “Nhiều chuyện lắm, để nói sau”. Thật là không có gì hạnh phúc bằng buổi trùng phùng hôm ấy. Những nhung nhớ của gần nửa thế kỷ xa gia đình lớn của mình được thỏa mãn, chúng tôi cảm thấy mình đã thật sự được hưởng niềm vui sướng trong cuộc đời còn lại…

***

Đã thành thông lệ, năm nào Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, cũng phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị chương trình Tết “Xuân Quê hương” dành cho kiều bào ở khắp nơi trên thế giới trở về quê ăn Tết. Bên cạnh đó, nhiều địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Bình… cũng tổ chức những buổi họp mặt với kiều bào về quê đón Xuân. Với những ngày Xuân thanh bình trên quê hương Việt Nam yêu dấu bây giờ, năm Tân Mão tôi lại có dịp về Việt Nam ăn Tết, tôi thấy Hà Nội thay đổi nhiều từ đời sống vật chất của người dân cho đến mức độ phát triển và hiện đại hoá đô thị… Tôi cảm thấy những cành đào tươi đẹp hơn trong những ngày đầu Xuân.

Bằng cả tấm lòng, xin cầu chúc cho Xuân này và những Xuân sau, khắp đất nước ta người người mãi mãi ấm no, nhà nhà mãi mãi hạnh phúc…

Hoài Việt (Hoa Kỳ)

quehuongonline.vn

Người Việt đón Tết cổ truyền tại thành phố Dresden

Các cháu bé diễn kịch "Tấm cám" tại lễ đón Tết Nhâm Thìn. (Ảnh: Thanh Hải/Vietnam+)

Hòa chung không khí đón chào Xuân Nhâm Thìn diễn ra ở trong và ngoài nước, đêm 21/1 tại thành phố Dresden, Liên bang Đức, Hội người Việt tại thành phố Dresden, với sự giúp đỡ và tài trợ của nhiều doanh nghiệp hảo tâm của người Việt ở địa phương, đã tổ chức buổi lễ đón Xuân Nhâm Thìn đầm ấm, mang đậm phong vị tết cổ truyền Việt Nam.

Ngài Dirk Hilbert, phó thị trưởng thứ nhất thành phố Dresden, một số đại diện chính quyền thành phố, đại diện các doanh nghiệp, hội đoàn người Việt cùng khoảng 800 bà con trong cộng đồng người Việt, bạn bè Đức và quốc tế đã đến dự buổi lễ.

Sau những hồi trống giòn giã chào đón năm mới Nhâm Thìn cùng tiết mục đồng ca của các cháu thiếu nhi người Việt, ông Phạm Hồng Phong, Chủ tịch, thay mặt Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Dresden, đã điểm lại các hoạt động chính của hội và cộng đồng người Việt ở thành phố trong năm 2011, trong đó nổi bật là các hoạt động vì thế hệ trẻ, các hoạt động giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè Đức, các hoạt động của cộng đồng thể hiện sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào xã hội sở tại…

Điều đáng quý, nhiều con em người Việt trong năm 2011 đã giành được nhiều giải thưởng đặc biệt của thành phố Dresden và của bang Sachsen; tỷ lệ các cháu vào học tại trường chuyên (tốt nghiệp được tuyển thẳng vào học đại học) đạt tới 65%…

Hướng về quê hương, đất nước, hội đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và trong nước, tích cực đóng góp, quyên góp ủng hộ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các hoạt động nhân đạo, từ thiện khác…

Bày tỏ sự vui mừng được tham dự buổi lễ đón tết cổ truyền Việt Nam, ca ngợi sự chuẩn bị và tổ chức buổi lễ đón Tết cổ truyền đầm ấm, đa dạng và đầy màu sắc của Hội người Việt thành phố cho bà con cộng đồng, ngài Hilbert cũng đánh giá cao sự đóng góp và hội nhập sâu rộng của cộng đồng người Việt, cộng đồng người nước ngoài lớn nhất của thành phố, vào các mặt đời sống, kinh tế-xã hội của Dresden.

Tại buổi lễ đón Tết, nhiều tiết mục ca, múa, nhạc đậm nét cổ truyền được trình diễn, với sự dàn dựng và chuẩn bị công phu của nhiều hội viên và các cháu bé người Việt, đặc biệt là vở kịch Tấm Cám, tiết mục hát dân ca của bé gái 5 tuổi hay độc tấu đàn tơ-rưng của chị Thùy Dung…Không chỉ có vậy, bạn bè quốc tế đang theo học tại trường Đại học tổng hợp Dresden cũng tới chung vui với những điệu nhảy hết sức trẻ trung, sôi động.

Lễ đón tết ngoài dịp để bà con người Việt hàn huyên, tâm sự và thưởng thức chương trình văn nghệ và các món ăn truyền thống ngày Tết còn là cơ hội để Hội người Việt tại Dresden giới thiệu các ấn phẩm văn hóa, văn hóa ẩm thực với các bạn Đức và quốc tế./.

Thanh Hải/Berlin (Vietnam+)

vietnamplus.vn

Cảm nhận về người Việt ở Mỹ

(Đất Việt)  Dù sinh ra ở Mỹ hay rời Việt Nam khi đã trưởng thành, nhiều người vẫn giữ được những ký ức sâu đậm về miền đất quê hương, vẫn ý thức mình là người Việt, giữ tiếng nói chuẩn đặc trưng của các vùng miền, tục thợ cúng ông bà, nếp nhà cho con cháu …

>> Tài tử kiều bào Mỹ mang tâm hồn… rất Việt

Ấn tượng nhất trong tôi, qua chuyến đi “cưỡi ngựa xem hoa” hai tuần ngắn ngủi ở Mỹ chính là những người Việt. “Việt Nam có vịnh Hạ Long, có phở và áo dài…”, đó là một “định nghĩa” đơn giản về Việt Nam mà chúng tôi nghe được từ một em bé 12 tuổi, học lớp 5, trường tiểu học quốc tế Gills, bang Arkansas – quê hương của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Ngay khi gặp chúng tôi, em đã tự hào khoe “em là người Việt Nam!”.

Đến Mỹ làm con nuôi lúc mới một tuổi, nhưng em vẫn giữ cái tên Việt: Hoàng Thị Thúy Quỳnh. Quỳnh hồn nhiên kể, ở nhà em có một chiếc áo dài, một chiếc vòng ngọc mẹ nuôi mua ở Việt Nam, để dành cho em khi lớn lên… Tôi hiểu, trong em vẫn có một dòng chảy đẹp, một tiềm thức bản năng về nơi mình sinh ra. Và điều này, may thay, đã được mẹ nuôi – một người đàn bà Mỹ – tiếp tục vun xới.

Đón chúng tôi ở sân bay là Phi Đao Ewing, nhân viên hợp đồng của Bộ Ngoại giao Mỹ. Thoạt nhìn, cô như một người mẫu thời trang với áo da đen, giày bốt, khăn hồng và chiều cao vượt trội. Nhưng khi cô cất tiếng chào, chúng tôi đều ngạc nhiên bởi tiếng Việt của Phi không khác các cô gái trẻ vẫn ríu ran trên đường phố Việt Nam. Cô còn biết cả tiếng lóng “ăn phở” khi chúng tôi trêu “các anh Việt Nam rất khoái ăn phở!”.

Người Việt ở Mỹ đón Tết. Ảnh: VNE.

Phi kể, cô giỏi tiếng Việt vì rất yêu bà ngoại. “Bà kể chuyện làng xóm, các phong tục tập quán, bày cho em làm các món ăn Việt Nam. Em học tiếng Việt để nói chuyện với bà, làm cho bà vui”. Cũng nhờ tiếng Việt, Phi có được một việc làm ổn định. Chồng Phi, một người Mỹ da trắng làm ở một công ty công nghệ, ngày làm đám cưới cũng đã “khăn đóng áo dài”, thắp hương lạy bàn thờ …

Nhưng gợi cảm hứng nhiều nhất cho tôi về người Việt trên đất Mỹ, lại chính là chị Thế với cái tên Mỹ Alice T. Glick. Dù khá lớn tuổi nhưng chị có một làn da rất đẹp và khuôn mặt còn nhiều nét kiêu sa của thời trẻ. Khi được khen “chắc hồi trẻ chị đẹp lắm”, Alice chỉ cười buồn. Chị cũng là người trầm lặng nhất, dù luôn chu đáo, tế nhị trong vai trò của một phiên dịch viên nhiều kinh nghiệm.

Rời Việt Nam năm 1975, với tấm bằng cử nhân luật và người chồng Mỹ, nhưng cuộc sống chị không mấy xuôi chèo. Nay chỉ còn mình chị trong căn nhà thuê, và chị làm đến hai job (việc làm), không chỉ để sống mà còn để thấy mình tồn tại. Ngoài làm phiên dịch thời vụ cho Bộ Ngoại giao Mỹ, chị còn là thông dịch viên cho một tòa án dân sự địa phương.

Công việc này cho chị niềm vui là chuyển tải được những điều mà những người dân nhập cư muốn trình bày để tìm lẽ công bằng. Và chính chị có lẽ cũng muốn tìm sự bình an nên luôn đeo trên mình một tượng Phật ngọc. Chị nói, những lời cầu nguyện của chị đã thấm vào mặt tượng này, để rồi niềm tin vào một sự chở che không chỉ đến với chị, mà đến cả với những người chị muốn giúp đỡ. Chị cũng tin ở Chúa dù không đi nhà thờ.

Đặc biệt hơn, chị Thế chính là nhân vật gây cảm hứng cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác bản nhạc “Đêm thấy ta là thác đổ”. Một buổi chiều mưa, nhạc sĩ họ Trịnh, khi ấy còn rất trẻ, đã gõ cửa nhà chị, tặng bài hát mà anh vừa sáng tác. “Thác đổ” là lời nói hộ tình cảm mãnh liệt của người bạn thân của nhạc sĩ, về mối tình đơn phương với người đẹp. Và mối tình si ấy, dù có sự hỗ trợ đắc lực của người nhạc sĩ tài hoa, vẫn không thành. Nhưng từ đấy, đời có thêm một người yêu nhạc Trịnh…

Một người Mỹ gốc Việt khá nổi tiếng chúng tôi gặp tại Washington D.C là chị Sherri Ly, phóng viên điều tra của kênh truyền hình FOX. Sherri Ly có mái tóc đen của người châu Á, thừa hưởng từ người mẹ Việt Nam, quê Vũng Tàu. Không biết có phải vì mái tóc đen này mà có lần, một sếp của chị đã buộc miệng: “Tôi không thích kiểu tóc này của cô!?”.

Nhưng Sherri Ly vẫn đều đều lên sóng, trở thành một phóng viên tên tuổi, bởi lòng yêu nghề và sự nỗ lực hết mình. Giữa nước Mỹ chưa hề biết đến chiến tranh, Sherri Ly đã từng phải mặc áo chống đạn để thực hiện bài điều tra về kẻ bắn tỉa ở trạm xăng cách đây mấy năm. Chị cũng từng đối mặt với nhiều hiểm nguy khi điều tra về những kẻ tội phạm giấu mặt, và nhiều lần đoạt giải báo chí Regional Emmys (giải báo chí khu vực tôn vinh những cá nhân có tác phẩm xuất sắc). Nhưng khó khăn nhất của chị không phải là công việc, mà là thu xếp được thời gian để đi nghỉ cùng chồng và chăm sóc hai con còn nhỏ.

“Cũng may, trước khi lấy chồng, anh ấy đã biết tôi là phóng viên. Nghĩa là không có sự… lừa dối. Nếu không, khó mà tìm được sự cảm thông”, chị hài hước. Sherri Ly còn là thành viên Hiệp hội các nhà báo Mỹ châu Á. Chị nói, người Mỹ gốc Á để tồn tại và thành đạt trên đất Mỹ, phải vượt qua nhiều rào cản hơn, dù cơ hội luôn dành cho mọi người.

Tại San Francisco, chúng tôi cũng có dịp tiếp xúc với một số doanh nhân gốc Việt thành đạt như David Dương, John Nguyên… David Dương hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt kiều tại Mỹ, thành viên sáng lập công ty thu gom phân loại xử lý chất thải rắn California Waste Solutions (CWS), được Tạp chí Waste Age bình chọn xếp thứ 37/100 công ty hàng đầu trong ngành thu gom vận chuyển và xử lý rác tại Mỹ.

John Nguyên là chủ tịch một tập đoàn đầu tư và phát triển bất động sản thương mại, đã xây dựng thành công Làng Thế giới (The Globe) tại thành phố San Jose, và đang nung nấu ý tưởng đầu tư một khu chợ Việt Nam tại Mỹ… Mỗi người một câu chuyện, một số phận đẩy đưa. Nhưng họ đều có chung một đặc tính vốn có của người Việt là sự chăm chỉ, nhẫn nhịn, biết nắm bắt cơ hội, cộng thêm chút may mắn để thành nhân…

Tuyết rơi ở Washington D.C khi chúng tôi vừa rời nước Mỹ. Và thời khắc này, tại Việt Nam đang ấm áp nắng xuân. Nhưng dù cách xa nửa vòng trái đất, tôi biết ở nước Mỹ đang có những người con Việt ngóng chờ thời khắc giao thừa ở quê nhà, để thắp nén nhang ấm lên bàn thờ, hay đơn giản hơn, tìm một sự tĩnh lặng nhỏ bé trong tâm hồn. Bởi dù ở đâu, quê hương vẫn là ký ức đẹp chảy trong tâm tưởng của mỗi người.

…Và dù họ chỉ là những mảnh đời tình cờ chúng tôi gặp trong một chuyến đi ngắn ngủi, chưa thể bao quát cho gần 2 triệu người gốc Việt đang sinh sống trên đất Mỹ, nhưng cũng đủ nhen nhóm một niềm tin: Dù trong hoàn cảnh nào, những người con gốc Việt vẫn vươn lên mạnh mẽ, để thích nghi, để giữ được hồn Việt trong trẻo… Để rồi một thế hệ mới lớn lên , như Hoàng Thị Thúy Quỳnh, một ngày nào đó thành đạt trên đất Mỹ, vẫn mãi giữ được niềm tự hào: “Tôi là người Việt!”…

Minh Hà

dvt.vn

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm: Phát huy sức mạnh của 4 triệu kiều bào ta đang sinh sống ở nước ngoài

(DVT.vn) – Buổi gặp gỡ, chúc Tết 50 đại biểu kiều bào về nước dự “Xuân Quê hương 2012” diễn ra tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chiều 15/1.

Theo thông lệ hằng năm, mỗi khi kiều bào ta có dịp về quê hương ăn Tết, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯMTTQVN) đều tổ chức buổi gặp mặt những đoàn kiều bào tiêu biểu để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con Việt kiều. Điều này là mong muốn cũng đồng thời thể hiện sự quan tâm của đại bộ phận cán bộ của Mặt trận nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ta.

50 đại biểu Việt kiều tham gia buổi gặp gồm Chủ tịch, lãnh đạo các hội người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và các kiều bào là thành viên của UBTƯMTTQVN, người lao động, hưu trí. Trong đó, có 36 đại biểu nam và 14 đại biểu nữ. Người cao tuổi nhất là ông Lê Văn Duyên, kiều bào tại Mỹ, 82 tuổi. Người trẻ nhất là chị Vương Bích Hà, 26 tuổi, kiều bào tại Đức. Lần này, có thêm một nhân vật khá đặc biệt là cô dâu người Hunggari của một Việt kiều cũng về tham dự buổi gặp mặt.

Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt.

Ngày 13/1, đoàn đã đến thăm Đền Đô đúng vào dịp giỗ nhà vua Lý Huệ Tông, được nghe giới thiệu lịch sử triều Lý và Đền Đô, từ đó, các kiều bào thấu hiểu hơn lòng yêu nước của các anh hùng dân tộc trong quá khứ. Đoàn cũng đến Đồ Sơn, Hải Phòng dự lễ cầu siêu vong linh các anh hùng liệt sĩ trên chuyến tàu không số.

Cô dâu Việt người Hunggari cùng chồng về Việt Nam đón Tết.

Trong không khí thân tình của buổi gặp mặt, nhiều đại biểu phát biểu ý kiến, bày tỏ nguyện vọng của mình. Ông Lê Văn Duyên, kiều bào tại Mỹ khẳng định: “Chúng tôi là những người con sống xa quê hương nhưng chúng tôi không bao giờ xa tổ. Chữ tổ mà tôi dùng ở đây là bao hàm cả Tổ quốc và tổ tiên. Những bà con kiều bào không bao giờ đòi hỏi Tổ quốc phải làm gì cho mình mà chỉ mong muốn làm được thật nhiều cho quê hương, đất nước, nhân dân”. Ông Duyên cũng đã đóng góp 30 triệu để ủng hộ các gia đình liệt sĩ trên chuyến tàu không số.

Ông Lê Văn Duyên, kiều bào tại Mỹ (người ngồi giữa, hàng đầu).

Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Czech, Hoàng Đình Thắng phát biểu khẳng định: “Czech là nơi có rất đông người Việt Nam sinh sống, khoảng 70 nghìn người. Trong những năm qua, UBTƯMTTQVN và UBNN VNVN ONN đã có nhiều hoạt động quan tâm và hỗ trợ hội. Chúng tôi xa quê hương nhưng lòng vẫn luôn hướng về Tổ quốc. Chúng tôi không quên dạy cho con cháu mình tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Dù có ở đâu chăng nữa, chúng ta vẫn là người máu đỏ da vàng, cùng chung một gốc, một tổ. Cũng nhân đây, chúng tôi chuyển đến TƯMTTQVN, Đảng và Nhà nước lời cảm ơn và chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất”.

Ông Hoàng Đình Thắng Chủ tịch hội người Việt Nam tại Czech.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các kiều bào, Chủ tịch UBTƯMTTQVN Huỳnh Đảm thông báo tình hình trong nước cũng như các hoạt động của Ủy ban cho  các đại biểu.


Chủ tịch UBTƯMTTQVN Huỳnh Đảm.

Chủ tịch khẳng định, khối đại đoàn kết toàn dân tộc có một ý nghĩa  cực kỳ quan trọng. Đó là nhân tố, là động lực phát triển bền vững sự nghiệp cách mạng, góp phần không nhỏ vào những thành quả trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.


Trao quà cho đại biểu.

“Lần đầu tiên trong suốt 81 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được khẳng định là tổ chức đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quần chúng nhân dân cả trong và ngoài nước. Với vai trò ấy, Mặt trận luôn nhấn mạnh kiều bào là bộ phận không tách rời của khối đoàn kết toàn dân tộc và phải làm sao để phát huy sức mạnh của 4 triệu kiều bào ta đang sinh sống ở nước ngoài”.

Trong suốt thời gian qua, kiều bào ở các nước trên thế giới thường xuyên liên lạc, thông tin với nhau, tạo nên khối đoàn kết cộng đồng Việt vững chắc; luôn yêu thương, đùm bọc, động viên nhau giữ gìn bản sắc dân tộc, hòa nhập với nước sở tại. Đồng thời, bà con Việt kiều luôn hướng về quê hương không chỉ bằng tình cảm mà còn bằng những hành động thiết thực.

Chủ tịch UBTƯMTTQVN Huỳnh Đảm chụp ảnh cùng đại biểu kiều bào các nước.

Chủ tịch UBTƯMTTQVN Huỳnh Đảm chia sẻ: “Tôi hi vọng kiều bào ta mãi mãi giữ vững truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc và tự hào mình là người Việt Nam. Dù có đi đâu bà con kiều bào vẫn hướng về Tổ quốc với tấm lòng và đóng góp ý nghĩa nhiều hơn nữa”.

Tin và ảnh: Dạ Minh Châu

dvt.vn

TP Hồ Chí Minh: Phong phú hoạt động dành cho kiều bào về đón Tết

Công chức Hải quan sân bay Tây Sơn Nhất hướng dẫn kiều bào làm thủ tục. (Ảnh: baohaiquan.vn)

Đây là dịp kết nối, tạo cơ hội cho bà con hợp tác, đóng góp vào sự phát triển của thành phố, qua đó động viên kiều bào hướng về quê hương.

Thể hiện tình cảm và sự quan tâm đối với cộng đồng kiều bào đang làm việc tại thành phố, cũng như kiều bào đang sống ở nước ngoài về thăm quê hương, sum họp gia đình, năm nay, TPHCM có nhiều hoạt động phong phú dành cho kiều bào về vui Xuân, đón Tết cổ truyền dân tộc.

Đây là dịp để tập hợp, kết nối kiều bào, tạo cơ hội cho bà con hợp tác, đóng góp vào sự phát triển của thành phố, qua đó góp phần củng cố niềm tin, động viên ngày càng nhiều kiều bào hướng về quê hương.

Cũng như mọi năm, Thành phố tổ chức chu đáo các hoạt động đón tiếp, hỗ trợ kiều bào tại Sân bay Tây Sơn Nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào cư trú, sinh hoạt trên địa bàn Thành phố. Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Nam, Công an cửa khẩu và Hải quan cửa khẩu Sân bay Tây Sơn Nhất tổ chức không gian chào đón Tết tại khu vực sân bay; đón tiếp, hỗ trợ và giúp đỡ kiều bào với phong cách chuyên nghiệp, gần gũi, thân thiện, đặc biệt với những kiều bào về nước lần đầu tiên, người già, phụ nữ và trẻ em; làm thủ tục thuận lợi, nhanh chóng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ để các hoạt động như dịch vụ đưa đón khách đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho hành khách và thân nhân; các thủ tục hành chính có liên quan đến kiều bào được hướng dẫn, giải quyết nhanh, gọn.

Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, phường, xã cũng tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào cư trú trên địa bàn được vui Xuân, đón Tết, tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương.

Ngày 17/1/2012 (tức 24 tháng Chạp năm Tân Mão) tại Hội trường Thành phố Hồ Chí Minh, Lãnh đạo Thành phố sẽ họp mặt kiều bào mừng Xuân Nhâm Thìn 2012. Đây là dịp để Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của kiều bào từ nhiều quốc gia, lãnh thổ trên thế giới khi trở về quê hương đón Tết và thông tin cho kiều bào về những thành tựu của thành phố trong năm 2011.

Tại buổi gặp mặt, những kiều bào có đóng góp thiết thực sẽ được biểu dương, khen thưởng để kịp thời động viên, phát huy ngày càng nhiều hơn nữa sự đóng góp tự nguyện, chân tình của kiều bào dành cho TPCHM nói riêng và cả nước nói chung.

Ngoài ra, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPCHM sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cho kiều bào tham quan một số công trình tiêu biểu trên địa bàn thành phố; trao giải cuộc thi viết “Việt Nam đất nước tôi” dành cho kiều bào; tổ chức thăm viếng một số kiều bào có công tiêu biểu.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM sẽ phối hợp với Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố tổ chức các đoàn nghệ thuật biểu diễn phục vụ và giao lưu với kiều bào ở Pháp, Áo, Bỉ, Phần Lan, Thụy Điển, Slovakia, Đức, với phương châm: gọn nhẹ, cơ động, hiệu quả, tiết kiệm, an toàn.

Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố cũng phối hợp với một số đơn vị và một số kiều bào tổ chức đi thăm, khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà Tết cho 400 kiều bào nghèo tại Campuchia.

Nguồn Quehuongonline

dvt.vn

Bếp Việt ở châu Âu – “văn hóa tủ đá”!

(DVT.vn) – Món ngon trong bếp Việt ở châu Âu là thành quả sưu tầm, vun vén của chủ nhà. Được ưu tiên trong tủ đá của họ là các loại gia vị.

Tản bút

Từ hồi sang châu Âu sống, tôi có thú vui lạ là lục tìm bếp người Việt ở quanh đây. Sướng sung, đề huề có bếp ở Pháp, Đức; đơn giản hơn là bếp ở Bắc Âu và Nam Âu. Không phải chuyện giàu nghèo, sang hèn mà là “cái sự quý” mà người Việt xa xứ dành cho những món đồ quê hương.

Kho báu trong tủ đá

Người Việt ở châu Âu có thói quen tích đồ trong tủ đá. Mới sang thì tôi dễ dàng giải thích là ở đây, ai cũng phải làm thế. Rau, vào mùa Xuân, mùa Hè còn có đồ tươi để ăn chứ mùa Đông thì đến dâu tây, bắp cải hay cà chua cũng được cắt núm, rửa sạch hay mua loại đóng gói sẵn trong siêu thị rồi bỏ vào tủ đá. Thế nhưng, sau thời gian sống với một số người bạn bản xứ và ở cùng gia đình người Việt, tôi nhận ra, kỷ lục trữ đồ trong tủ đá vẫn luôn thuộc về người Việt.

Hai, ba gia đình người Việt tôi đã từng ở cùng ở Oslo hay Stockholm, ngoài tủ lạnh, còn có thêm một hoặc hai tủ đá (lớn như tủ kem) để dưới kho. Cũng như những gia đình người bản xứ khác, người Việt tích rau cho mùa Đông hay những thức ăn ngon bỗng giảm giá nhiều như: tôm hùm, cá hồi, hào… Tuy nhiên, một phần lớn của tủ đá là dành cho món ăn Việt Nam.

Người Việt ở Tiệp, Ba Lan, Đức, Pháp được coi là những người may mắn. Cộng đồng người Việt đông đảo nên chợ Việt khang trang trong thành phố và món nào cũng đủ cả. Món thì bà con mua từ Việt Nam qua, món thì thậm chí bà con người Việt trong cộng đồng tự làm rồi bán như đậu phụ, giá đỗ, dưa muối. Có gia đình cũng bắt đầu tập làm bún chua vì bún bán sẵn bên này là bún khô, luộc lên cũng mềm nhưng không có vị chua. Quận 13 Paris ở Pháp, Trung tâm thương mại Sa Pa ở Prague (CH Czech) hay chợ Đồng Xuân Berlin (Đức) là một trong những trung tâm đồ Việt lớn nhất ở châu Âu.

Còn những người Việt ở Bắc Âu hay Nam Âu thiệt thòi hơn do cộng đồng không đông hoặc không tập trung nên không có chợ Việt. Họ thường mua đồ ăn Việt trong siêu thị mi-ni của người Việt nằm rải rác trên thủ đô. Tiệm Thái, tiệm của người Hoa cũng có những món đồ “hao hao” đồ Việt nhưng không chuẩn lắm. Mỗi lần đi mua đồ ăn Việt cũng không dễ dàng do phải chạy xe lên thủ đô, vào trung tâm hay thi thoảng mới có món đồ ưng ý. Thế nên “văn hóa tủ đá” cũng phát triển.

Hình ảnh bên ngoài một khu chợ người Việt ở Ba Lan.

“Từ Việt nam xách sang đó”, cô bạn Việt kiều của tôi tự hào khoe một cây giò lụa lớn gói đúng kiểu Việt Nam (vì bên này, giò lụa mua trong tiệm Thái hay tiệm Hoa thường nhỏ xinh như bắp tay, là loại làm công nghiệp để xuất khẩu). Bóc lớp ni-lông, giấy báo rồi lá dong, cô bỏ cây giò vào nồi hấp để chuẩn bị cho bữa ăn ngày Tết.

Những món được ưu tiên trong tủ đá của người Việt ở châu Âu là các loại gia vị. Quý nhất là ớt chỉ thiên (vì nhỏ thôi nhưng cay hơn bất kì loại ớt nào ở Tây), cây sả, lá hẹ, củ riềng và trái sấu, được chủ nhà nâng niu như báu vật vì nếu hết, có muốn mua cũng khó. Tất cả đều được rửa sạch, tích trong tủ đá đến hàng năm, đợi có ai về Việt Nam, chủ nhà lại gửi mua.

Món ăn Việt ngộ nghĩnh là thế. Mỗi thứ chỉ một chút thôi nhưng thiếu thứ gì là món ăn vô duyên ngay được. Món ngon trong bếp Việt ở châu Âu là thành quả sưu tầm, nhặt nhạnh lẫn vun vén của chủ nhà. Bát canh cá chua đúng vị ăn ở đây cũng đủ làm thực khách trầm trồ phục tài đảm của cô đầu bếp xa quê.

Đây là mâm lễ không kém phần chu đáo cúng Vu Lan của một bạn đang sống và làm việc ở Pháp.

“Xe Tàu” ở Thụy Điển

“Xe Tàu” là cách chúng tôi gọi một chiếc xe bus màu vàng lớn, chạy quanh thành phố tôi đang sống để bán đồ ăn và nguyên liệu nấu món ăn châu Á. Gọi là “xe Tàu” nhưng chủ yếu là xe người Việt. Xe đi vòng quanh thành phố vào ngày thứ Bảy, hai tuần một lần. Khách hàng quen thuộc để lại số điện thoại cho chủ xe. Trước khi đến, chủ xe nhắn tin cho từng người thông báo. Có tuần xe không đến được, chủ xe báo cho một vài bà con lại loan tin cho nhau trong cộng đồng. Nhiều khi tôi nghĩ, sống trong một cộng đồng người Việt nhỏ xinh như thế này cũng có cái hay: ai cũng biết nhau và ngày “xe Tàu” đến như một sự kiện.

Xe đến khoảng 3h – 4h chiều thứ Bảy, thời gian được coi là nhàn rỗi ở đây. Bà con từ khắp nơi trong thành phố, có khi cả từ thành phố khác, chở xe đưa cả nhà đến chỗ xe Tàu. Xe có nhiều đồ nhưng rau xanh lúc nào cũng là món hiếm. Chỉ vài phút sau khi xe đỗ, tủ rau xanh đã hết veo. Chính vì thế, để mua được đồ ngon, bà con phần lớn đến sớm và đứng đợi xe. Cũng nhờ vậy, tôi được biết nhiều bà con người Việt trong thành phố. Câu chuyện chỉ quanh chuyện mua đồ ăn, nấu món ăn Việt thôi mà dường như bất tận. “Xe Tàu” ở Thụy Điển đông vui như phiên chợ vùng cao Hà Giang.

Xe nhỏ lại đầy đổ nên bà con xếp hàng một đi vào, nhanh tay lựa chọn món đồ dự định mua. Cảm giác nhìn lòng xe ngập những món đồ Việt, gia vị Việt gợi nhớ cho tôi về gian hàng khô trên chợ Hàng Bè. Nhưng thú vui nữa là trò chuyện với anh phụ bán hàng người nam Trung Bộ. Vì mới qua nên không biết tiếng Thụy Điển nhưng mấy câu đùa tiếng Việt của anh thì khỏi nói, duyên và rất Việt. Anh phụ xe mau mồm chả đợi ai hỏi, cập nhật thông tin về món đồ mới có, giá cả thay đổi ra sao. “Ở Việt Nam qua” hay “Ăn kiểu Bắc thì làm món này, ăn kiểu Nam thì làm thế kia” là những câu anh hay nói nhất.

Có lần chúng tôi đưa anh bạn người Thụy Điển, vốn là đầu bếp ở đây, đến “xe Tàu”. “Ở cạnh đây cả năm mà tôi không hề biết”, anh chàng ngỡ ngàng. Lúc đầu anh chàng còn coi thường, trêu tôi: “Đồ Á trong siêu thị đầy!”, nhưng khi đến, nhìn thấy xe và gặp bà con mua bán, anh chàng mắt chữ O, mồm chữ A. Sau một buổi chiều đứng quan sát, hỏi han đầy thích thú, anh về nhà kể với bạn bè không ngớt về cái xe kì thú anh được xem hôm đó. “Tuyệt thật, ngộ thật, lần sau đi lại gọi tôi nhé! Tôi sẽ mua đồ về làm món ăn Á”.

Gần đây, tôi nghe tin có thêm các xe Tàu khác sẽ đến thành phố.

Kết

Thổi lửa cho bếp Việt ở châu Âu là series những câu chuyện kỳ thú, dễ thương mà tôi lượm lặt được khi xa nhà. Bát phở bò khi ở Hà Nội thì bình thường thôi nhưng đủ làm người xa quê rưng rưng xúc động. Ngoài trời tuyết rơi, trong bếp người Việt vẫn ấm áp hương gừng, hành nướng, quế hồi, thảo quả… Phở, ở cách xa quê hàng nghìn cây số, mà vẫn (cố) đủ vị, tiếng Việt vẫn râm ran trong bếp nghĩa là trái tim chúng tôi vẫn hướng về Việt Nam, trọn vẹn và ấm áp nhất.

Kim Ngân

dvt.vn

Nhớ xuân bên sông Vàm Cỏ

(VOV) – Con gái tôi dù mới 7 tuổi không hiểu hết nhưng cũng nhất định phải đi Tết Việt Nam vì được lì xì và xem múa lân… (Thúy Hằng, Đức)

Nếu các bạn có hỏi tôi rằng: “Bạn thấy nơi nào đẹp nhất?”, tôi vẫn luôn tự hào nói rằng không đâu đẹp nhất bằng nơi tôi đã sinh ra. Dù tôi có đi đến đâu thì tôi vẫn mong mỏi ngày tôi được trở về bên mái nhà, nơi có ba mẹ và các em tôi. Quê tôi không danh lam, không thắng cảnh.

Quê tôi chỉ có con sông Vàm Cỏ Đông chảy qua hiền hòa cùng với những con người quanh năm chân lấm tay bùn trên những màu xanh bạt ngàn của vườn cây, ruộng lúa. Nơi đây tôi đã lớn lên từ mồ hôi, từ những nhọc nhằn hôm sớm của ba mẹ tôi.

Sông Vàm cỏ đông

Tôi đang định cư ở Đức và đã đi thăm các nước châu Âu, nơi mà vẫn có nhiều người mong đến. Mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng nhưng đối với tôi chỉ đến một lần xem cho biết, chứ không mong trở lại. Có thể vì trong tôi không có tình yêu cho những nơi xa lạ hay vì trái tim tôi chỉ dành trọn cho một nơi. Nhiều người vẫn hay hỏi tôi thích đi đâu nhất trong những ngày nghỉ. Tôi vẫn trả lời rằng chỉ mong được về thăm quê nhà bên những người thân. Những lần về Việt Nam tôi chỉ thích quanh quẩn trong nhà, thích dọn dẹp và nhất là nấu những bữa ăn ngon cho gia đình. Các em tôi hỏi chị về sao không đi chơi tham quan các nơi danh lam thắng cảnh? Tôi cười mà nói rằng không đâu đẹp nhất bằng quê mình em ạ. Có lẽ các em tôi sẽ không nhận ra những điều mà tôi cảm nhận vì các em tôi chưa xa rời nơi mái nhà mà chúng tôi đã lớn lên.

Đã gần 10 năm tôi xa quê là 9 năm tôi đón xuân nơi xứ người. Chỉ có mỗi một mùa xuân duy nhất tôi được đón xuân trọn vẹn trên quê mình. Một cái Tết ấm cúng bên người thân yêu với những tiếng cười và câu chúc nhau rộn rã. Biết bao giờ gia đình tôi lại được quây quần bên nhau cùng đón thêm một đêm giao thừa nữa. Cả nhà tôi đi lễ đầu năm và quây quần bên mâm cơm ngày Tết. Mới đây thôi vậy mà tôi đã đón thêm hai cái Tết nơi xứ người. Cảm giác cái Tết năm nào vẫn như mới ngày hôm qua. Tôi mở xem lại những hình ảnh gia đình tôi đoàn tụ cùng nhau đón Tết mà nhớ hoài câu nói của Mẹ tôi: “Tết năm nào có gia đình tụi con sao mà vẫn vui hơn”.

Có quá nhiều cảm xúc mà tôi cũng không biết mình nên bắt đầu từ đâu. Mỗi một dòng chữ viết ra là chứa đựng những giọt nước mắt của nỗi nhớ. Nước mắt tôi cứ như chực sẵn mà tuôn ra để rồi biết bao lần dở dang tôi không thể viết tiếp. Nhiều lần tôi muốn ngưng đi không muốn khơi lại nỗi nhớ trong lòng mình nhưng đôi khi lại muốn trải lòng mình ra để vơi đi nỗi nhớ. Thực tế cuộc sống không cho tôi quá mơ mộng nhưng tôi vẫn ước trong giấc mơ tôi được trở về tuổi thơ ngày xưa. Có lẻ điều tôi ước không chỉ có riêng tôi mà cũng là ước mơ của tất cả các bạn.

Tôi nhớ đến những cái Tết khi còn bé nôn nao được mẹ may cho quần áo mới, cùng đi chợ tết, được ăn dưa hấu, được cắn hạt dưa, được nghe tiếng pháo, được lì xì và được chơi lôtô. Có quá nhiều cái được thì có trẻ con nào mà không thích. Và rồi khi lớn lên một chút tôi vẫn nôn nao đón chờ Tết đến nhưng pha lẫn những nỗi lo cùng ba mẹ tôi vì năm nào Tết đến là y như rằng nhà tôi lại không có tiền để đón Tết. Ba mẹ tôi phải tính trước lo sau xem thứ nào cần mua và thứ nào không, còn tôi đôi khi vẫn hờn tủi khi không được sắm sửa những thứ mình thích.

Những năm ấy gia đình tôi khó khăn đến nỗi tôi mong ước gì đừng có Tết để ba mẹ tôi đừng quá lo toan. Lúc đó tôi đã nghĩ là Tết có gì đâu chứ, chỉ là bước sang một năm mới mà sao lại phải chuẩn bị quá nhiều thứ. Tết chỉ là dịp để gia đình quây quần bên nhau sau một năm làm việc và cầu mong một năm mớ tốt đẹp hơn thôi. Vậy mà Tết nào cũng vậy phải sắm sửa mọi thứ, trang hoàng nhà cửa và phải đến hết tất cả nhà họ hàng để chúc Tết.

Có những lúc tôi đã ngán ngẩm mong Tết đừng đến hay trốn xa một nơi nào đó. Chắc có lẽ bây giờ cũng có nhiều các bạn cũng có cảm giác như tôi ngày ấy khi nói với tôi rằng Tết bây giờ chán lắm, Tết bây giờ không như ngày xưa… Tôi không biết các bạn và cả tôi ngày ấy mong chờ điều gì trong những ngày Tết? Tôi không biết các bạn có cảm nghĩ gì vì hàng ngày bạn vẫn gặp người thân, hằng năm các bạn vẫn đón Tết trên quê hương mình. Còn tôi khi đã xa nơi ấy tôi chỉ mong một điều duy nhất về Tết đó là gia đình tôi được cùng nhau bên mâm cơm đầu năm. Thật đơn giản quá phải không các bạn? Nhưng đối với tôi thật không hề dễ chút nào. Hạnh Phúc tưởng chừng như thật lớn lao nhưng thật ra nó có thật nhiều xung quanh mà mình không thể nào nhận ra các bạn ạ.

Ở Việt Nam mình chỉ đón một cái Tết vậy mà bên Đức này tôi đón Tết đến ba lần nhưng tôi vẫn còn có cảm giác chưa trọn vẹn. Tôi đón Tết tây như những người dân xứ này và sau đó là hai cái Tết Việt Nam được người Việt tổ chức hai nơi vào một cuối tuần trước và sau Tết Việt Nam. Dù cách xa nơi tôi đang ở cả trăm cây số nhưng gia đình tôi vẫn muốn đi để tìm cảm giác Tết quê nhà. Con gái tôi dù mới bảy tuổi không hiểu hết nhưng cũng nhất định phải đi Tết Việt Nam vì được lì xì và xem múa lân. Cháu cũng đã được về Việt Nam hai lần thăm ông bà ngoại và các cậu khi đang bập bẹ tập nói, vậy mà cháu rất yêu Việt Nam.

Con gái tôi cứ hỏi: “Mẹ ơi, bao giờ mình về Việt Nam thăm nhà, con nhớ ông bà ngoại và các bạn ở Việt Nam quá”.

Tôi vờ hỏi lại: “Con sinh ra ở Đức thì con là người Đức mà phải không? Sao con lại nhớ Việt Nam?”.

Con gái tôi trả lời: “Con là người Việt Nam mà, mẹ có thấy người Đức nào mà tóc đen như con không?”.

Tôi không ngờ con mình lại trả lời được như vậy. Mỗi lần cầm món đồ chơi nào trên tay là con gái tôi xem được làm từ đâu, nhất là những món đồ chơi miễn phí cho trẻ em trong tiệm ăn Mc Donald. Khi gặp được chữ made in Vietnam là con tôi mừng rỡ khôn xiết và khi gặp chữ made in China thì con tôi thất vọng tràn trề và nói: “Mẹ ơi, sao không phải là Việt Nam mà toàn là China không hà?”. Nghe câu hỏi của con mà cũng làm tôi chạnh lòng. Gần đây ở siêu thị Đức thỉnh thoảng có bán Thanh Long Hoàng Hậu tôi mua về cho con gái ăn và nó rất thích bảo là cái gì của Việt Nam cũng ngon hết mẹ ơi, mặc dù con tôi rất kén ăn trái cây. Tôi nói với con gái rằng cố gắng học giỏi đi rồi hè đến mẹ sẽ cho con về Việt Nam thăm ông bà ngoại.

Vậy là giờ này ở Việt Nam cũng đã hết Tết rồi nhưng trong tôi hình như vẫn còn mong chờ một cái Tết bên sông Vàm Cỏ. Tôi đã bắt đầu viết về Xuân quê hương từ ngày cuộc thi mới bắt đầu đến giờ sắp đến thúc mà vẫn còn dở dang vì xuân trong tôi vẫn còn chưa trọn vẹn khi thiếu vắng nhánh mai vàng bên Vàm Cỏ Đông./.

Thúy Hằng (vnexpress)

vov.vn

Người Việt tưng bừng đón Tết ở Mỹ

Hơn 500 người Việt thuộc cộng đồng ở tây New York đã tề tựu nhảy múa hát ca và chúc tụng năm mới Nhâm Thìn, làm sống lại các tập tục và nghi lễ đón xuân.

Người châu Á đón tết con rồng
Xuân Quê hương – tết trong mỗi người xa xứ

Buổi lễ diễn ra tại thành phố Buffalo tối 29 âm lịch, không chỉ là lễ đón giao thừa mà còn là một tiệc sinh nhật chung của nhiều người.

Ông Tom Trần, phó chủ tịch Cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Tây New York, cho biết đây là dịp để mọi người chúc nhau sang năm mới được mạnh khỏe, sống lâu, thịnh vượng và may mắn, và “chúc cho tất cả được vạn sự như ý”.

Trẻ em người Việt ở Fort Wayne, Indiana, tham dự lễ mừng tết. Ảnh: Journal GazetteTrẻ em người Việt ở Fort Wayne, Indiana, tham dự lễ mừng tết. Ảnh: Journal Gazette

Ông Trần thuộc thế hệ người Việt đầu tiên ở Mỹ, sang đây từ sau năm 1975. Cộng đồng người Việt này có khoảng 3.000 người chủ yếu sinh sống ở Buffalo và Cheektowaga. Con cháu họ, thế hệ người Việt thứ hai, dùng tiếng Anh rất thành thạo, nhưng trong buổi lễ tất niên và mừng năm mới này, mọi người hầu hết đều dùng tiếng Việt.

“Một số cháu thấy khó khi nói tiếng Việt, nhưng chúng tôi mở các lớp dạy tiếng cho chùng”, ông Trần nói. “Thường ngày thì hầu như các cháu nói tiếng Anh”.

Năm con Rồng được người phương Đông quan niệm là một năm tốt để sinh con trai, vì theo tín ngưỡng, Rồng là con vật linh thiêng chứa đựng đầy quyền uy và sức mạnh.

“Chúng tôi giờ đây coi Mỹ là đất nước của mình, nhưng chúng tôi vẫn bảo tồn truyền thống văn hóa Việt”, ông Trần nói.

Màn múa lân trong buổi lễ mừng năm mới của cộng đồng người Việt ở New Orleans. Ảnh: nola.comMàn múa lân trong buổi lễ mừng năm mới của cộng đồng người Việt ở New Orleans. Ảnh: nola.com

Xung quanh ông Trần là một buổi lễ rực rỡ sắc màu truyền thống. Người lớn, trẻ con ăn mặc màu sắc tươi sáng, nhảy múa các điệu cổ truyền. Những tay trống người Việt phấn khích chơi trong lúc một đôi song ca bài “Sài Gòn đẹp lắm” bằng tiếng Việt. Màn múa rồng sôi động với hai con rồng đỏ và vàng. Các quầy hàng bán nhiều đồ ăn truyền thống, đồ trang sức và những cuốn sách báo. Một thành viên ban tổ chức lễ hội thông báo rằng các chuyên gia y tế ở Buffalo đã thành lập một nhóm nhằm hỗ trợ các bệnh nhân phẫu thuật ở Việt Nam.

Tại Fort Wayne, bang Indianna, cộng đồng người Việt đã tới nhà thờ để tổ chức lễ mừng năm mới. Cô Nguyễn Phương Anh, 23 tuổi, một trong số những người tham gia buổi lễ hội cầm trong tay những phong bì nhỏ màu đỏ. Bên trong đó chứa những đồng tiền nhỏ, để mừng tuổi trẻ con. “Cái này để mang may mắn đến cho lũ trẻ”, cô nói.

Tại thành phố Austin của Texas, cộng đồng sinh viên và nghiên cứu sinh người Việt Nam đã tổ chức họp mặt và liên hoan mừng xuân. Trong buổi lễ, mọi người gói bánh chưng, nấu các món ăn Việt, mừng tuổi các cháu nhỏ và cùng chúc nhau năm mới thịnh vượng và hạnh phúc.

Tại thành phố New Orleans, màn múa lân chào mừng năm mới tại trung tâm cộng đồng Việt diễn ra tưng bừng trước sự phấn khích của các em nhỏ. Emily Hoàng, 8 tuổi, kể rằng lúc bé em rất sợ con lân, nhưng nay em thích thú vô cùng trước cái đầu to và sặc sỡ cùng những bước nhảy chồm thật cao của chúng. “Chúng không đáng sợ”, Emily nói, mắt cô bé lấp lánh niềm háo hức. “Những con lân này trông đáng yêu”.

Đội múa lân bán chuyên nghiệp gồm 25 thành viên đã luyện tập miệt mài từ hồi tháng 10. Họ cũng sẽ biểu diễn ở một số hội chợ xuân mỗi dịp cuối tuần.

Dù múa lân rồng là những nét truyền thống và biểu tượng mỗi khi đón tết, trái tim của tết vẫn là ở trong mỗi gia đình. Thu Hoàng, điều phối viên trung tâm cộng đồng Việt ở New Orleans, sang Việt Nam sau 1975 khi mới lên 6, cho biết khi thời khắc giao thừa điểm, cô sẽ chúc chồng một năm mới hạnh phúc. Sau đó vợ chồng cô đi sang chúc tết cha mẹ sống ở gần nhà cô.

Cô Lê Thị Oanh, mới từ Vũng Tàu sang Mỹ sống từ tháng 11 vừa rồi, nhớ về những công việc chuẩn bị tất bật mà vui cho Tết Việt. “Tôi sẽ đi chợ mua đủ thứ, kho nồi thịt và nấu nhiều món. Chồng tôi thì bận rộn bày hoa quả, soạn sửa bày biện ban thờ tổ tiên”.

Mai Trang

vnexpress.net

Đón Tết Việt ở New Zealand

Người Việt Nam ở thủ đô Wellington của New Zealand đón cái Tết cổ truyền dân tộc trong ánh nắng ấm áp của mùa hè nam bán cầu.

Đại sứ Việt NamĐại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Hồng Cường gửi lời chúc tốt đẹp tới bà con người Việt ở nước bạn. Ảnh: Nhóm lưu học sinh Việt Nam tại New Zealand cung cấp

Với những người xa quê, Tết Nguyên đán vẫn luôn là dịp thiêng liêng để cùng hướng về cội nguồn, hướng về quê hương nơi người người đang nô nức, hân hoan sắm Tết trong cái rét căm căm của mùa đông.

Tại thủ đô Wellington của New Zealand, những người Việt Nam xa quê lại đón Tết cổ truyền trong cái nắng ấm áp của mùa hè. Cứ mỗi độ xuân về trên đất Việt, những người con xa xứ dù làm việc hay học tập lại tề tựu đông đủ trong bữa tiệc tất niên ấm áp do Đại sứ quán của Việt Nam tổ chức.

Bữa tiệc nhỏ, gọn mà vui vẻ diễn ra tại thủ đô Wellington, với sự góp vui của bạn bè quốc tế. Những món ăn truyền thống như bánh chưng, giò lụa, chả rán, nem rán… trở nên đặc biệt với người dân xa xứ bởi chỉ đến dịp này mới được thưởng thức. Với những hương vị đó, bà con như trở về với quê hương, cảm nhận phần nào được không khí đón Tết nơi quê nhà.

Hơn 300 bà con trong cộng đồng Việt Nam hiện đang đang định cư và học tập tại New Zealand cùng các thành viên Hội hữu nghị New Zealand – Việt Nam, đại diện các trường đại học và trung học của New Zealand, đã đến chung vui trong không khí ấm cúng, thân mật và đầy hương vị Tết cổ truyền của Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Hồng Cường đã gửi tới tất cả những người Việt Nam ở New Zealand những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp Năm mới Nhâm Thìn.

Giáo sư Roberto Rabel, hiệu phó trường Đại học Victoria, đại diện cho Hội Hữu nghị New Zealand – Việt Nam, thay mặt những người bạn New Zealand chúc Tết cộng đồng người Việt Nam và bày tỏ quyết tâm cũng như mong muốn góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác về giáo dục nói riêng và quan hệ nói chung giữa hai nước New Zealand – Việt Nam.

Nhóm lưu học sinh Việt Nam
Wellington, New Zealand

vnexpress.net

Người Việt ở Mỹ tưng bừng đón Tết

Cộng đồng người Việt khắp nơi trên nước Mỹ náo nức tổ chức các chương trình mừng đón xuân Nhâm Thìn với nhiều hoạt động múa hát và nấu ăn truyền thống.

Đón xuân trong tuyết trắng
Châu Á rộn ràng đón Tết con rồng

Lễ hội đón Tết của người Việt ở San Francisco, bang California, đã diễn ra vào ngày 15/1 tại Little Saigon. Lễ hội thường niên của người Việt gồm các các thiết mục văn nghệ, các món ăn truyền thống, trò chơi dân gian Việt Nam và nhiều triển lãm, trưng bày có ý nghĩa khác.

Cũng tại bang California, thành phố Oxnard, lễ đón năm mới với màn múa sư tử đặc sắc đã thu hút được rất nhiều người Việt đến xem. Chị Lori Lưu, người Việt tại Oxnard, cho biết chị dẫn hai con của mình Tyler Phạm, 9 tuổi và Lauryn Phạm, 5 tuổi đến lễ hội để các cháu được biết về văn hóa truyền thống, dù được sinh ra ở Mỹ.

Tiết mục múa lân là không thể thiếu trong Lễ hội đón Tết Nguyên đán của người Việt trên khắp nước Mỹ. Ảnh: vcstar

Sinh viên của Hội sinh viên Việt Nam tại đại học Georgia cũng tổ chức đêm văn nghệ mừng năm mới vào tối ngày 15/1. Tiết mục Múa Lân trong chương trình được hơn 600 khán giả hưởng ứng nhiệt liệt. Một khán giả Mỹ nói: “Tôi rất thích tiết mục các nam sinh viên đội lên đầu chiếc mũ hình sư tử với một đám đông mô tả phụ nữ và trẻ em đánh trống, chiêng đi sau. Rất vui và náo nhiệt”.

Chương trình mừng xuân Nhâm Thìn của bà con người Việt ở bang Kansas, Mỹ cũng diễn ra tưng bừng tại Fiesta Courtyard. Chị Shelly Dinh, một thành viên ban tổ chức, cho biết vì là năm rồng nên tiết mục múa lân rồng được mọi người rất mong đợi và lễ hội có rất nhiều món ăn truyền thống để phục vụ mọi người.

Tại bang Texas, các sinh viên cũng tổ chức bữa tiệc năm mới tại trường Đại học Công nghệ Texas vào chiều nay, 19/1. Còn cộng đồng người Việt tại Seatle sẽ tổ chức chức Hội chợ Tết vào ngày 21-22/1, tại các địa điểm lớn trong thành phố.

Một cuộc thi nấu bánh chưng trong hội hoa xuân của người Việt ở California. Ảnh: Tuy CanMột cuộc thi nấu bánh chưng trong hội hoa xuân của người Việt ở California. Ảnh: Tuy Can

Hội chợ Tết Nhâm Thìn của người Việt được tổ chức đúng dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày truyền thống của Hội chợ Quốc tế Seatle. Hội chợ xuân sẽ khám phá nền văn hóa hàng nghìn năm của đất Việt cùng với những hoạt động đương đại thông qua các màn biều diễn võ thuật, nấu ăn, làm các đồ thủ công truyền thống và phát tiền Lì xì.

Nhiều lễ hội với các chương trình đặc sắc diễn ra trên khắp nước Mỹ, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống, đem không khí Tết rộn rã đến với những người xa quê. Minh Phan, sống tại Athens, tiểu bang Georgia, nói anh “rất phấn khởi và tràn đầy kỳ vọng vào một năm mới tốt lành”.

Vũ Hà

vnexpress.net